Việc cấp sổ đỏ cho nhà tạm, nhà trong quy hoạch treo đang làm nức lòng người dân tại TP.Thủ Đức cũng như tạo nên kỳ vọng cho nhiều người dân TP.HCM đang sống trong những khu tương tự.
Ngay sau khi Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức (TP.HCM) có văn bản gửi UBND 34 phường trên địa bàn thông báo về việc cấp giấy chứng nhận cho đất (sổ đỏ) đối với giấy phép xây dựng có thời hạn, chúng tôi đã có cuộc khảo sát nhỏ với những người dân thuộc diện này.
Người dân phấn khởi, nhiều quyền lợi được bảo đảm
Sau gần 2 thập niên sống trong nhà tạm, ông Hoàng Tuấn, ngụ tại P.Hiệp Bình Chánh (TP.Thủ Đức), bày tỏ niềm vui lớn khi nghe thông tin nhà xây dựng tạm được hợp thức hóa, cấp sổ đỏ và ông nhanh chóng tiến hành thuê công ty đo vẽ để làm hồ sơ cấp sổ đỏ từ năm 2025 cho căn nhà xây theo giấy phép xây dựng tạm.
Ông Tuấn kể năm 2003 ông mua đất bằng giấy tay trên đường Kha Vạn Cân (P.Hiệp Bình Chánh). Do đất nằm trong vùng quy hoạch ga Bình Triệu nên không được xây dựng. Đến năm 2006, do nhu cầu bức thiết về chỗ ở nên ông đánh liều xây nhà không phép và đã bị chính quyền xử phạt hành chính. Đến năm 2015, căn nhà bị hỏa hoạn thiêu rụi. Thời điểm đó, ông được UBND phường hướng dẫn đi xin giấy phép có thời hạn để xây dựng lại căn nhà hai tầng. Trong giấy phép quy định rõ thời hạn sử dụng là 5 năm. Sau này, khi nhà nước thực hiện quy hoạch, căn nhà sẽ không được bồi thường và người dân như ông sẽ phải tự tháo dỡ.
“Tại thời điểm đó tôi nghĩ không xa nhà nước sẽ bỏ hoặc điều chỉnh quy hoạch và cho người dân hợp thức hóa chủ quyền nhà nên cố gắng bỏ tiền ra xây nhưng thú thực là không biết đến khi nào. Nay luật Đất đai đã mở cơ chế nên tôi đi làm thủ tục cập nhật tài sản trên đất là căn nhà nói trên lên sổ đỏ ngay”, ông Tuấn nói và bày tỏ hân hoan khi nhà nước có chính sách cởi mở cho dân làm sổ đỏ, mang lại lợi ích lớn cho cả người dân và nhà nước. Người dân có sổ đỏ từ đó có thể giao dịch mua bán, thế chấp… một cách hợp pháp còn nhà nước thì thu được khoản phí, thuế “khổng lồ”.
“Như nhà tôi diện tích gần 80 m² đất, nếu phải bỏ vài chục triệu đồng mà hợp thức hóa được thì tôi sẵn sàng. Chưa hết, hằng năm nhà nước còn có thể thu thuế phi nông nghiệp, quá lợi vì sao không làm?”, ông Tuấn tính toán và nói thêm từ trước đến nay, ông phải chịu vô vàn bất tiện từ việc nhà đã xây nhưng không được hoàn công cấp sổ.
Như việc con ông đang học ở Hàn Quốc nhưng ông không thể làm visa đi thăm con vì muốn làm được visa phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà. Không chỉ vậy, vì không có chủ quyền nhà nên khi kẹt tiền muốn thế chấp ngân hàng cũng “bó tay”. Không có chủ quyền nhà, người dân như ông muốn bán thì bị ép giá giảm gần một nửa so với giá thị trường.
Vui mừng cũng là cảm xúc của ông Tạ Lâm Hồng (TP.Thủ Đức) khi nghe thông tin nhà xây dựng tạm được cấp sổ đỏ. Bởi 3 năm qua, nhà ông nằm trong các đồ án quy hoạch đất dân cư xây dựng mới, đất hỗn hợp… nên dù được cấp phép xây dựng có thời hạn nhưng không được cập nhật tài sản trên đất, cấp sổ đỏ. “Cách làm của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức giúp quyền lợi của người dân được đảm bảo hơn trước. Người dân cũng mạnh dạn hơn khi bỏ tiền tỉ xây dựng nhà trên đất quy hoạch”, ông Tạ Hồng Lâm nhận xét.
“Trước đây đối với nhà có giấy phép xây dựng có thời hạn khi hoàn công cơ quan chức năng thường gạch căn nhà đi không công nhận. Chính vì vậy, những người có nhu cầu về nhà ở không dám xây nhà. Đến nay nhà được cập nhật lên sổ đỏ sẽ giúp chúng tôi yên tâm hơn, việc mua bán chuyển nhượng sẽ dễ dàng hơn. Vì lâu nay khi mua bán người dân mua bán loại nhà này rất khó khi hiện trạng và sổ đỏ khác nhau cũng không thể sang tên. Quyết định của Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai TP.Thủ Đức là mạnh mẽ và hợp lòng dân, cần phải nhận rộng ra cả nước”, ông Hồng đánh giá.
Sống “treo” hàng thập niên
Có sống trong các khu quy hoạch treo mới hiểu hết niềm vui của người dân trước quy định mới nói trên. Nằm ngay trong lòng TP.HCM, khi chúng tôi ghé vào khu Bình Quới – Thanh Đa (Q.Bình Thạnh) đã chứng kiến những căn nhà tạm bợ, cũ kỹ và xuống cấp, khiến cái nóng tháng 8 thêm bức bối. Nhiều căn nhà xiêu vẹo nằm lọt thỏm giữa những khu đất bỏ hoang, cây cỏ mọc um tùm. Đường đi vào bên trong là bờ đê đủ 2 chiếc xe máy tránh nhau, lót một lớp bê tông mỏng, chắp vá.
Đem quy định cho làm sổ đỏ đối với nhà xây dựng có thời hạn hỏi anh Hải, một người dân ở đây, anh vui vẻ, hoạt bát hẳn. Bởi gia đình anh sống ở đây đã nhiều đời nhưng vẫn phải ở trong căn nhà cũ kỹ, xuống cấp mà không thể tiến hành xây dựng mới. Anh Hải phân trần gia đình anh là dân cố cựu ở đây, có khoảng 2.000 m² đất nhưng hiện không thể làm nông nghiệp vì không có hệ thống kênh mương. Miếng đất được ông bà chia cho con cháu mỗi người một ít để xây nhà nhưng khi đi xin giấy phép xây dựng có thời hạn lại không được. Để có nhà ở, người dân như gia đình anh phải cơi nới hoặc buộc lòng xây dựng sai phép. “Nếu nhà nước cho xin phép xây dựng nhà có thời hạn và được cấp sổ đỏ, người dân như chúng tôi sẽ chấm dứt được cảnh phải chui rúc trong căn nhà xập xệ mấy chục năm”, anh Hải nói.
“Con cháu có vợ, có chồng phải ra riêng nhưng đất không được tách sổ cũng không cho xây dựng. Trước đây ở khu vực này trồng lúa, nhưng nay không trồng trọt gì được. Mấy chị em trong nhà chia đất ra xây nhà tạm vách tôn, vách lá để ở. Còn dư ít đất thì xây nhà trọ cho thuê để có thêm thu nhập. Quy hoạch từ năm 1992, đến nay đã nửa đời người nhưng vẫn treo chưa biết đến khi nào. Do vậy nếu có thực hiện dự án thì làm nhanh đền bù cho dân, còn không thì xóa treo, trả lại quyền lợi cho người dân”, anh Hải kiến nghị.
Ngồi trước căn nhà xây dựng mấy chục năm đã xuống cấp nghiêm trọng, chị Nguyệt, một người dân sống ở đây, cho hay căn nhà đã qua nhiều lần sửa chữa vì chính quyền không cấp giấy phép xây dựng có thời hạn mà chỉ cho sửa chữa, cải tạo. Miếng đất được ông bà để lại qua nhiều đời nhưng không thể làm nông nghiệp. Để có nguồn thu nhập, chuồng heo, chuồng bò được gia đình chị sửa thành phòng trọ để cho thuê.
–theo thanhnien.vn–