Bức tranh phát triển của thị trường BĐS sẽ phụ thuộc phần lớn vào động thái kích hoạt nền kinh tế trong tình huống tiếp tục sống chung an toàn với dịch bệnh.

Đó là khẳng định của bà Nguyễn Hương, CEO Đại Phúc Land khi chia sẻ về góc nhìn thị trường BĐS năm 2022.

Theo bà Hương, giai đoạn khủng hoảng do dịch bệnh thời kỳ căng thẳng nhất đã qua. Hiện nay độ phủ vắc-xin tại Tp.HCM đã tốt và trong quý 4 sẽ phủ tiếp các tỉnh thành. Kết hợp với thuốc điều trị Covid sẽ giúp bệnh nhân nhanh hồi phục và giảm tỉ lệ tử vong. Bức tranh BĐS năm 2022 lạc quan hơn khi các kịch bản doanh nghiệp đưa ra mặc dù sẽ vẫn thận trọng nhưng không quá bi quan.

Cùng với việc Chính phủ đẩy mạnh các mục tiêu kinh tế – xã hội theo chiều hướng tích cực, các doanh nghiệp sẽ tiếp tục phát triển và thúc đẩy việc đầu tư kinh doanh các dự án BĐS. Bức tranh phát triển của thị trường BĐS sẽ phụ thuộc phần lớn vào động thái kích hoạt nền kinh tế trong tình huống tiếp tục sống chung an toàn với dịch bệnh.

Theo đó, doanh nghiệp BĐS cần các giải pháp ứng phó với dịch bệnh mang tính chủ động và ổn định, hạn chế tối đa việc đóng mở các hoạt động kinh tế một cách đột ngột sẽ gây ra sự xáo trộn và tổn thất cho các bên.

“Việc đẩy mạnh đầu tư công trong năm 2022 cũng sẽ là yếu tố quan trọng góp phần tạo ra sự sôi động của thị trường BĐS trong thời gian sắp tới. NĐT nước ngoài luôn hướng sự phát triển của thị trường BĐS trong trung và dài hạn. Vốn ngoại sẽ tiếp tục đổ vào các khu vực và dự án BĐS tiềm năng, đặc biệt là các KĐT vệ tinh có hạ tầng kết nối giao thông thuận tiện”, CEO Đại Phúc Land nhấn mạnh.

Chuyên gia dự báo gì về thị trường BĐS năm 2022? - Ảnh 1.

Cũng đánh giá về thị trường BĐS năm 2022, ông Nguyễn Hoàng, Giám đốc R&D DKRA Vietnam cho hay, bước sang năm 2022, áp lực tăng giá BĐS sẽ rất lớn bởi các lý do chính đã bắt đầu xuất hiện từ Quý 1/2021 (lạm phát, chi phí VLXD tăng, chi phí đầu vào tăng). Đặc biệt, từ Quý 2/2022, khi kinh tế phát triển mạnh trở lại (nhiều dự báo cho rằng GDP năm 2022 có thể lên đến 6.5 – 7.5%), Việt Nam hoàn thành mục tiêu tiêm chủng toàn dân (cho cả trẻ em), bất động sản sẽ càng có đà tăng giá.

Ngoài vấn đề về nguồn cung và sức cầu, giá cả, một số các dự báo về xu hướng chung của thị trường như khẩu vị mua bất động sản, sản phẩm, vị trí, hình thức đầu tư,… cũng rất đáng chú ý. Đó là: Về sản phẩm, theo ông Hoàng, đất nền các tỉnh giáp ranh vẫn là kênh đầu tư được ưu tiên hàng đầu, đặc biệt là những địa phương gần các công trình hạ tầng giao thông lớn, có quy hoạch/pháp lý đầy đủ sẽ luôn thu hút khách đầu tư.

Về yêu cầu chất lượng sản phẩm: Sau đợt dịch Covid-19, người mua ngày càng chú ý hơn đến môi trường sống đảm bảo an toàn và sức khoẻ, đặc biệt là thiết kế thông thoáng, cảnh quan cây xanh,…Xu hướng áp dụng công nghệ trong giới thiệu và bán hàng trực tuyến tiếp tục phát triển.

Về hình thức đầu tư, ông Hoàng cho rằng, trong năm 2021, dù dịch bệnh nhưng nhiều đơn vị đã bắt đầu đưa ra hình thức đầu tư gần như REIT trong bất động sản, chia nhỏ sản phẩm và áp dụng công nghệ. Trong năm 2022 sẽ tiếp tục nở rộ hình thức này và đây là nhu cầu phát triển tất yếu của thị trường.

Theo ông Hoàng, các dự báo về thị trường BĐS năm 2022 đều phải phụ thuộc vào nhiều điều kiện, yếu tố và khó lường trước những diễn biến vĩ mô. Ở thời điểm hiện tại, giả định rằng tình hình dịch bệnh được kiểm soát tốt và chúng ta đã xác định sống chung với Covid-19, các hoạt động kinh tế – xã hội – du lịch sẽ từng bước phục hồi. Năm 2022, dự báo GDP của Việt Nam có thể lên đến 6.5 – 7,5%, tương đương mức GDP của năm 2019 trở về trước. Qua đó, thị trường bất động sản có thể diễn biến theo hướng. Cụ thể:

Nửa đầu năm 2022, nguồn cung mới và sức mua được duy trì ổn định như Quý 4/2021, có thể sẽ tăng nhẹ nhưng không quá mạnh mẽ.

Nửa cuối năm 2022, thị trường sẽ sôi động hơn với cả nguồn cung mới và sức mua. Tuy nhiên, sẽ không có sốt đất hoặc sốt bất động sản trong năm 2022 vì theo quan sát, có thể thấy Nhà nước đang kiểm soát tốt những yếu tố gây sốt hoặc bong bóng bất động sản như: chính sách tài chính, kiềm chế lạm phát, lãi suất và giá trị đồng nội tệ ổn định trong mấy năm qua, kênh đầu tư thay thế bất động sản cũng đa dạng hơn,…

Riêng đối với bất động sản thuộc loại hình mặt bằng bán lẻ có lẽ vẫn sẽ có nhiều thách thức do mức giá thuê đã quá cao từ năm 2019 về trước. Trong giai đoạn dịch bệnh và siết chặt giãn cách xã hội, xu hướng mua sắm online được đẩy mạnh, nên hạn chế bớt về nhu cầu mặt bằng bán lẻ.

Bất động sản nghỉ dưỡng tiếp tục phụ thuộc vào sự phát triển của du lịch. Theo nhiều dự báo, phải đến năm 2023 ngành du lịch mới có thể quay trở lại như năm 2019 trở về trước và khi đó bất động sản nghỉ dưỡng mới sôi động trở lại. Dù vậy, một số dự án bất động sản nghỉ dưỡng có thế mạnh vượt trội và tiềm năng thì vẫn có tín hiệu tích cực.

“Trong tình hình hiện tại, dịch bệnh dù được kiểm soát nhưng vẫn còn rất phức tạp và yêu cầu chúng ta tự tin nhưng vẫn phải thận trọng. Với chỉ đạo của Chính phủ về phục hồi kinh tế sau đại dịch và với tiềm lực của thị trường bất động sản, kịch bản bức tranh chung thị trường trong năm 2022 cũng được dự báo với những thuận lợi và thách thức đan xen nhau”, ông Hoàng nhấn mạnh.

Hạ Vy

Theo Doanh nghiệp và Tiếp thị