Sau nhiều lần thuyết phục, tôi được anh Nguyễn Tuấn Đạt (ở Ngọc Thuỵ, Long Biên), người đã giải nghệ nghề môi giới bất động sản, tiết lộ 3 độc chiêu để hốt bạc khi tham gia thị trường nhà, đất.
Thứ nhất là tạo khan hiếm giả, thứ hai là thổi giá, thứ ba là tạo giao dịch giả. “Nếu nhập vai đạt yêu cầu một trong ba chiêu thức này, cơ hội kiếm tiền sẽ rất tốt”, anh Đạt nói.
Anh Đạt lấy ví dụ khu vực tả sông Hồng (Đông Anh), khi có thông tin về quy hoạch xây cầu Tứ Liên, nối Tây Hồ với Đông Anh, các “cò” đất sẽ tập hợp thông tin nhà, đất chi tiết về những địa điểm này, đồng thời tập hợp thành nhóm trên mạng xã hội facebook, zalo, viber… Khi tập hợp xong, các đối tượng sẽ giao nhiệm vụ cho từng thành viên kiêm nhiệm, xây dựng bước giá cho từng thửa đất, lập danh sách, thu thập thông tin, bản đồ chi tiết rồi đưa lên nhóm.
Không chỉ thu thập về diện tích, vị trí, giá cả mà các đối tượng còn thu thập thông tin về lịch sử, văn hoá, truyền thống của làng, xã, thậm chí về gia cảnh của từng hộ dân. “Khi có đầy đủ thông tin, các đối tượng sẽ học thuộc lòng rồi “chém” với khách, khiến cua trong lỗ cũng phải bò ra”, anh Đạt nói.
Các đối tượng “cò” sẽ thống nhất giá, khách hàng đi tới trung tâm môi giới nào cũng nhận giá giống nhau, hệt như được niêm yết. Đây là thủ đoạn “cò” tạo niềm tin cho khách. Không dừng lại ở đó, những ô đất mà gia chủ chưa muốn bán, được “cò” lập thành danh sách ảo về tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của khách đã đặt cọc như thật.
Việc làm này của “cò” nhằm tạo sự khan hiếm giả. Trường hợp khách muốn lấy lô đất đã có trong danh sách ảo, một là khách phải trả giá cao, hai là “cò” sẽ giả thương thảo với người đã đặt cọc. Tất cả đều là kịch bản của các đối tượng cùng nhóm. Khi khách hàng “cắn câu”, chúng sẽ đẩy giá. Khách muốn mua các ô đất lân cận hoặc đến các văn phòng khác đều trong vòng vây của chúng mà không hề biết.
Các “cò” sẽ móc nối với nhau để chăn dắt “con mồi”. Với thời đại công nghệ 4.0 hiện nay, các đối tượng “cò” đất sẽ lập thành các nhóm. Trường hợp người mua hỏi, trao đổi về một lô đất, ô đất, khu đất, lập tức thông tin, số điện thoại của khách hàng sẽ được đưa vào nhóm. Trường hợp khách hàng giao dịch không thành công, tiếp tục đi đến văn phòng khác, hỏi về mảnh đất đã từng trao đổi sẽ được đối tượng tiếp theo đẩy giá cao hơn… “Đây cũng là một trong những nguyên nhân khiến giá đất được đẩy lên một cách bài bản mà khách hàng không hề biết”, anh Đạt nói.
Thậm chí có trường hợp, khách hàng hỏi về mảnh đất thứ nhất, sau khi đi tham khảo các văn phòng khác rồi quay lại, “cò” sẽ nói đã bán cho người khác, đồng thời thò ra tờ giấy viết tay được chuẩn bị sẵn với giá cao. Đám “cò” sẽ thiết lập văn bản viết tay, đặt cọc, y như thật. Nếu khách ưng, “cò” sẵn sàng đàm phán để lấy lại mảnh đất đó, nhưng thực tế vẫn là nhóm các đối tượng dàn dựng kịch bản trước đó. Kịch bản này khiến không ít khách hàng tin “sái cổ”, sập bẫy.
Giăng bẫy
Trao đổi với Tiền Phong, ông Nguyễn Anh Phan, Giám đốc Cty CP Đấu giá VNA nhận định, khi có thông tin về quy hoạch xây dựng một số cây cầu nối trung tâm Hà Nội với các quận, huyện ngoại thành được người dân và giới đầu cơ quan tâm, các văn phòng môi giới cũng săn tin về nhà, đất và đổ xô sục sạo đất đai ở những khu vực này khiến việc giao dịch trở nên sôi động.
Các đối tượng môi giới thường thông đồng bắt tay nhau để “thổi” giá. Chẳng hạn như, các đối tượng này sẽ huy động hàng trăm người xếp hàng, thậm chí còn giả chen lấn, để tạo ra khung cảnh nhộn nhịp tại các khu vực đấu giá, giao dịch nhà, đất. Thủ đoạn này, nếu khách không tỉnh táo dễ bị cuốn vào “lưới” mà các đối tượng “cò” đã giăng sẵn.
Giám đốc Nguyễn Anh Phan phân tích, khi khách hàng đến văn phòng giao dịch, nhóm “cò” sẽ thông tin cho chân rết nhập vai y như khách có nhu cầu mua thật. Chúng đến giao dịch như thường. Trường hợp khách còn lưỡng lự về giá, hay vị trí, đối tượng đóng giả để “bơm vá”. Trường hợp khách chưa “cắn câu” chúng sẽ lập tức làm thủ tục xuống tiền đặt cọc, trả cao hơn khách thật để tạo niềm tin.
—theo Cafand—