Hiện nhiều nhà đầu tư đang có tâm lý “nửa vời”: Vừa chờ BĐS giảm giá vào cuối năm, vừa sợ giá BĐS sẽ tăng mạnh sau Tết. Hai trạng thái này đối lập nhau khiến cho việc quyết định “xuống tiền” chưa dứt khoát ở thời điểm sau giãn cách.
Anh Th, một nhà đầu tư tham gia thị trường BĐS 5 năm, kinh qua nhiều sản phẩm đầu tư từ đất nền, đến căn hộ cho hay, hiện tâm lý của anh em đầu tư trên thị trường nhìn chung còn dè dặt, chưa “thoáng” khi xuống tiền. Một số anh em có tâm lý chờ đợi giá thương lượng tốt hơn vào dịp cuối năm, nhưng ở chiều ngược lại có một số NĐT lại sợ giá BĐS sẽ tăng cao sau dịp Tết nguyên đán. “Cho nên, sau giãn cách nhóm anh em đầu tư cũng xem xét khá kỹ, có BĐS nào giá tốt hơn thị trường khoảng 5-7% là mua ngay, còn những BĐS bán ngang giá thị trường hoặc tăng nhẹ thì chưa quyết. Một phần nguyên nhân cũng từ việc dịch bệnh vẫn chưa dứt hẳn, nên cũng khiến việc quyết định mua BĐS nhanh bị ảnh hưởng”, anh Th cho hay.
Tuy nhiên, theo kinh nghiệm hơn 5 năm trong lĩnh vực đầu tư BĐS, anh Th cho biết, giá BĐS gần như rất hiếm đi xuống, trừ những đợt khủng hoảng kinh tế, từ năm 2014 đến nay, BĐS một là giữ giá (đi ngang), hai là tăng. Điều này cho thấy, thời điểm dịch bệnh cũng chỉ ảnh hưởng một phần đến mặt bằng giá ở một số phân khúc, nhà đầu tư, còn nhìn tổng quan giá BĐS vẫn “neo” cao. Thậm chí, ngay khi Tp.HCM và các tỉnh lân cận nới giãn cách xã hội, giá BĐS, nhất là phân khúc đất nền có xu hướng tăng nhẹ.
“Đúng là thời điểm này, nhà đầu tư có tâm ý “nửa vời” khi tham gia thị trường. Một số nhóm NĐT có tiền thường đợi chờ thêm sản phẩm “ngộp” của nhà đầu tư trước đó, để mua vào. Họ có tâm lý chờ thêm vào dịp cuối năm có thể sẽ có nhiều sản phẩm muốn bán ra với giá tốt. Trong khi đó, chính họ cũng e ngại nếu dịch được kiểm soát tốt hơn thì giá BĐS có thể lên một nấc, và cơ hội có thể mất đi”, anh Th chia sẻ.
Theo một số chuyên gia trong ngành, hiện tại là thời điểm vàng để các nhà đầu tư mạnh tay “xuống tiền” bởi thời gian qua, thị trường liên tục chứng kiến việc BĐS lập mặt bằng giá mới, tiếp tục có xu hướng đi lên bởi nhiều lý do. Đầu tiên là ảnh hưởng của việc giá đất và thuế chuyển mục đích sử dụng đất tăng đều mỗi năm.
Tiếp đó, quỹ đất đô thị khan hiếm cũng dẫn tới hiện trang cầu vượt quá cung. Giá nguyên vật liệu xây dựng cũng tăng 25% so với đầu năm, cùng những yếu tố như lãi vay giảm, lượng tiền của nhà đầu tư đang rót vào mạnh cũng khiến cán cân cung-cầu ngày càng chênh lệch. Một trong những tỉnh thành có mặt bằng giá BĐS tăng mạnh có thể kể đến gần đây như Đồng Nai, Bình Dương, Hà Nội và Tp.HCM.
Tuy vậy, theo hầu hết các chuyên gia, mặc dù tình trạng khan hiếm của thị trường là có thật, nhưng để quyết định đầu tư, khách hàng phải cân nhắc kỹ về độ uy tín của dự án cũng như chủ đầu tư dự án đó, đặc biệt cần tìm hiểu kỹ những yếu tố như tính chất pháp lý, cam kết cho vay của ngân hàng.
Giải đáp tâm lý chờ “bắt đáy” của nhiều nhà đầu tư, một chuyên gia trong ngành cho rằng, đây là một tâm lý đầu tư sai lầm, bởi với thị trường hiện tại sẽ không thể tìm được đáy để bắt. Hơn nữa, với tâm lý ham rẻ, các nhà đầu tư sẽ dễ dàng rơi vào bẫy của những thông tin quảng cáo ảo. Thay vào đó, nhà đầu tư nên tham gia vào thị trường sớm khi mặt bằng giá còn tốt và nhiều chương trình ưu đãi kích cầu vẫn đang được các chủ đầu tư áp dụng. Đầu tư vào các dự án được quy hoạch bài bản, pháp lý hoàn chỉnh là nước đi mà nhiều nhà đầu tư thông minh hiện nay sẽ lựa chọn.
Cùng quan điểm, ông Trần Khánh Quang, Chuyên gia BĐS cho rằng, hiện nay thị trường bất động sản không còn xuất hiện tình trạng giảm giá rầm rộ như đợt khủng hoảng thập kỷ trước. Ngay khi dịch diễn biến phức tạp, giá chào bán nhà đất tại Tp.HCM vẫn tăng lên do nhiều lý do: Nguồn cung khan hiếm vì vướng thủ tục pháp lý kéo dài, quỹ đất hữu hạn, chi phí đầu vào cao, chi phí tài chính phình to….
Thực tế, bất động sản có xảy ra giao dịch giảm giá nhưng không được công bố vì quá trình giảm này được các bên thương lượng riêng, và cũng không đại diện cho tình hình thị trường chung. Theo ông Quang, dù trải qua 3 tháng dịch Covid-19 bùng phát nhưng giá bất động sản ở các tỉnh chưa có hiện tượng bán tháo, bởi hầu hết người mua đều đang “gồng”, chỉ có khoảng 10-20% người giữ bất động sản vùng ven muốn bán vì cần tiền. Những đối tượng này cũng không thuộc diện bán tháo, cắt lỗ mà tuỳ theo giá thị trường để ra hàng nhanh, hoặc giảm kì vọng lợi nhuận từ 3-5%.
Vì thế, theo ông Quang, việc nhà đầu tư ngồi chờ bắt đáy thị trường sẽ vô vọng. Cuộc chơi BĐS chỉ dành cho bên chủ động đi săn, người mua phải chủ động mặc cả để tiếp cận được giá mềm hơn khung niêm yết.
Theo Nhịp sống kinh tế