Hỏi: Em sinh ngày 16/12/1987 âm lịch, mẹ em tuổi Đinh Mùi 1967 xây nhà hướng chính Tây. Em được biết hướng này không hợp với tuổi Đinh Mùi và tuổi Đinh Mão. Em muốn hỏi cách xử lý với trường hợp này. Em cảm ơn!
Trần Mạnh Hùng (Thái Nguyên)
Trả lời
Với câu hỏi của bạn, trước hết khuyên bạn không cần quá lo lắng. Chúng tôi biết bạn đang lo lắng vì những kiến thức bạn đọc được đến từ thông tin của trường phái Bát Trạch, với các hướng xấu là Họa hại, Tuyệt mệnh, Ngũ quỷ và Lục sát… Khi xem theo trường phái này, ai cũng cố gắng chọn được nhà hướng Thiên Y hoặc Diên niên, Sinh khí hay Phục vị… Tuy nhiên, những kiến thức của phái Bát trạch hiện ít được áp dụng vì độ chính xác không cao.
Dưới đây, Phong thủy Tam Nguyên sẽ hướng dẫn bạn nắm được những quan điểm đúng và định hướng việc ứng dụng phong thủy cho ngôi nhà cũng như không gian sống của mình:
Phong thủy là bộ môn khoa học về cách bố trí không gian, lựa chọn vị trí đắc khí từ yếu tố cảnh quan, cách cục tác động và lựa chọn vị trí đắc địa. Phong thủy chính phái luôn giữ nguyên tắc “Nhất vị – Nhị hướng”, tức vị trí là quan trọng nhất. Yếu tố hướng cũng quan trọng nhưng các kiến thức của phái Bát trạch là chưa đầy đủ. Bởi việc xét hướng là để đánh giá vận khí của yếu tố thiên khí tác động đến ngôi nhà thế nào thông quan việc nạp khí từ cửa chính. Trong đó, thiên khí là trường khí của các thiên tinh vận hành thay đổi mỗi năm, mang tác động cát – hung đến ngôi nhà và các thành viên, không hề xét theo cách hướng này xấu với tuổi, hướng kia tốt với tuổi như cách luận giải của Bát trạch. Vì vậy, nếu nhà bạn không được hướng tốt theo Bát trạch thì bạn cũng không cần lo lắng.
Nhà hướng Tây thường được xử lý kỹ mặt tiền để chống nóng, cũng là giảm dương khí trong phong thủy. Ảnh minh họa
Với trường hợp cụ thể của bạn: con sinh năm Đinh Mão, mẹ sinh năm Đinh Mùi, nhà tọa Đông hướng Tây (giả sử hướng nhà bạn cung cấp là chính xác). Xét theo kiến thức Định Long của Tam Hợp Phái chính tông, hai mẹ con bạn nên chọn trạch đất hướng Đông Bắc hoặc hướng Bắc thì sẽ hợp hơn. Hướng Tây tuy không hợp nhưng không có nghĩa là xấu về Phong thủy. Bởi việc xấu hay đẹp Phong thủy còn phải xét theo bố trí trong và ngoài ngôi nhà (tức bố trí nội cục và ngoại cục), bao gồm cả kiến trúc và Phong thủy chứ không riêng yếu tố hướng.
– Phong thủy ngoại cục là các yếu tố về ngoại cảnh như núi non, sông nước, đường đi lối lại hay công trình xây dựng xung quanh ngôi nhà tác động thế nào. Nếu cát lợi sẽ càng tăng thêm phần may mắn cho gia chủ, nếu hung sát thì càng ảnh hưởng xấu đến vận khí của cả gia chủ và các thành viên.
– Phong thủy nội cục là việc bố trí công năng bên trong ngôi nhà thông qua các khối phòng như phòng khách, cầu thang, phòng bếp, phòng ngủ, phòng thờ, công trình khép kín… Việc bố trí này cần hài hòa cả về phong thủy và kiến trúc, kết cấu xây dựng để tạo nên không gian hợp lý, mang nhiều năng lượng và sức khỏe cho tất cả các thành viên trong nhà.
Hướng nhà hợp tuổi không quan trọng bằng việc có vị trí, kết cấu công năng phù hợp. Ảnh minh họa
Những thông tin giúp đánh giá phong thủy ngôi nhà tốt hay xấu:
1. Hướng nhà của bạn là hướng gì và đo được bao nhiêu độ (có thể sử dụng ứng dụng La Bàn Việt tải về điện thoại hoặc La Kinh Ngọc Phúc Đường)
2. Bản vẽ công năng mặt bằng đúng tỷ lệ hoặc khảo sát trực tiếp
3. Năm sinh âm lịch các thành viên sống trong nhà
Như vậy thông tin bạn cung cấp chưa đủ để kết luận hay đánh giá được phong thủy nhà bạn tốt hay xấu, mọi thứ đều cần cụ thể để tránh việc tư vấn phong thủy sai lầm, gây lo lắng không đáng có cho gia đình.
Ngoài ra, nếu ngôi nhà bạn đã vào ở ổn định thì việc thay đổi Phong thủy cũng sẽ khác nhiều so với việc bạn có khảo sát, tư vấn phong thủy ngay từ ban đầu. Bởi ngôi nhà đã hoàn thiện nên tính kết cấu và kiến trúc đã được hình thành, các khối công năng cơ bản đã được dựng lên, nếu xét tính sai phạm của phong thủy thì việc tu sửa sẽ rất vất vả và tùy theo hạng mục lớn nhỏ để quyết định có tu sửa được hay không.
Phương án tư vấn sau khi đã khảo sát với nhà đã xây dựng, vào ở:
1. Bố trí lại nội thất, đồ đạc sao cho hợp lý và khoa học hơn nhằm tận dụng không gian để bổ khí loan hoàn.
2. Tu tạo, sửa chữa lại không gian, tùy việc sai phạm mà sửa nhiều hay ít và không làm ảnh hưởng đến kết cấu kiến trúc của ngôi nhà.
3. Nếu kết cấu và kiến trúc ngôi nhà không cho phép tu sửa thì cần có các phương án khác như sử dụng vật phẩm phong thủy hóa sát hay kích hoạt nhằm hóa giải thế cục xấu và khắc phục sai phạm.