Có lẽ các chiêu thức để dụ khách mua BĐS của môi giới không còn là chuyện quá xa lạ từ trước đến nay. Tuy nhiên, ở thời điểm này khi mà khách hàng ngày càng cẩn trọng hơn trong lựa chọn sản phẩm thì “chiêu thức” của các công ty BĐS cũng đã lên tầm đỉnh cao hơn. Nếu không tỉnh táo, khách mua rất dễ “dính bẫy”.

Bán dự án thật nhưng theo kiểu “lùa khách”, tạo tâm lý đám đông để khách “xuống tiền”

Không phải bán dự án “ma” kiểu Alibaba nhưng một số công ty BĐS đã và đang sử dụng hình thức “lùa khách”, sử dụng hiệu ứng đám đông để thuyết phục, dồn ép khách hàng “xuống tiền”. Tìm hiểu được biết, đây không phải là chiêu thức mới mẻ của nhiều công ty địa ốc. Đặc biệt, một số công ty chuyên bán đất nền thường dùng cách này để bán hàng.

Mới đây, một nhân vật “chân ướt chân ráo” tham gia vào lĩnh vực BĐS đã kể lại câu chuyện khó quên của mình khi đi mua đất. Sau thời điểm dịch bệnh, nhà đầu tư (NĐT) này muốn đi tìm hiểu đất đai để mua. Sau khi xuống thăm khu đất thông qua lời “mời chào” của môi giới BĐS.

NĐT này bị bao vây bởi những lời chào mời dồn dập kèm với một số nhân vật đã được “cài sẵn” trong đoàn đi, luôn trong tâm thế sẵn sàng để “xuống tiền” mua đất. Nếu không mua nhanh sẽ mất cơ hội.

Cùng với đó, theo lời kể của NĐT này, sau khi giới thiệu một hồi thì một môi tặng ngay Voucher 200 triệu đồng với cam kết: “Nếu anh mua, xem như bên em thuê ngay lập tức miếng đất đó trong 20 tháng và mỗi tháng là anh có 10 triệu đồng. Bên em ký hợp đồng cam kết bán miếng đất cho anh trong vòng 3 tháng.

Nếu không bán được, bên em sẽ đền 5 – 10 triệu đồng/ tháng cho anh tùy theo giá trị cho đến khi bán được thì thôi. Anh chỉ cần đóng trước 40% giá trị miếng đất thôi, có các gói, mua 3 tháng bán, thậm chí mua 1 tháng bán cũng lời rồi.

Hôm nay nếu anh đặt cọc 50 triệu cho một nền, bên em sẽ tặng ngay cho anh một miếng vàng trị giá 50 triệu eluôn. Chưa kể giá bán ra của miếng đất là 15 triệu đồng/m2 (tức tăng 3 triệu so với giá mua vào) kèm miễn phí xin giấy phép xây dựng, xây dựng tự do…”, NĐT này kể lại.

Chưa kể, một vài NĐT ngồi cạnh bên bắt đầu nhao nhao tranh nhau đăng kí đặt cọc. Thậm chí, mua một lúc 2-3 lô rất nhanh chóng. Theo NĐT này, môi giới liên tục chào mời bằng cách vừa làm thủ tục đặt cọc cho khách khác, vừa nhanh nhảu hỏi “còn một suất ưu tiên nữa, anh có lấy không”. Sau khi NĐT này nói “không” thì đến lượt một người khác xưng là Trưởng phòng kinh doanh lại tư vấn tiếp, cũng liên tục nói là còn duy nhất một lô ưu tiên thôi, nếu không mua là mất cơ hội.

Sau khi NĐT này vẫn nhất quyết “không mua lúc này” thì môi giới xin lại thông tin tên để đăng kí cho đợt mở bán lần 2, cam kết vẫn với giá tiền đó, với 2 suất ưu tiên. “Sau khi đưa lại bộ hồ sơ với phiếu đăng kí kèm phiếu bốc thăm trúng thưởng. Môi giới này thỏ thẻ, biết đâu anh lại trúng cái xe SH của bên em”, NĐT này kể lại. Nói rồi, sau khi xướng tên khách hàng trúng thưởng, NĐT này là vị khách trúng SH.

Thế nhưng, khoảng 15 phút sau đó, nam trưởng phòng kinh doanh nói nhỏ vào tai NĐT này: “Anh ơi, anh có chốt 2 lô đất đó luôn không, để em nói chuyện với công ty làm thủ tục trả thưởng?. Nghĩa là, nếu mua 2 lô đất NĐT sẽ nhận được chiếc xe SH còn nếu không thì đây chỉ là hình thức “dụ khách” có tính toán của công ty.

Chưa kể, theo NĐT này, chủ nhân 2-3 lô đất đã đặt cọc ngồi bên cạnh quay sang nói chuyện và xin số điện thoại. Liên tục giãi bày là đã mua đất của công ty này nhiều lần rồi, lãi mấy lần trước cũng 500-600 triệu đồng. Cho nên lần này mua 2 lô luôn.

“Tôi không nói rằng, công ty bán đất nền này là lừa đảo hay đất không giấy tờ, hợp pháp vì chưa có thời gian để tìm hiểu kỹ. Thế nhưng, tôi xâu chuỗi lại những tình tiết, lời đối thoại, thái độ, phương pháp họ bán hàng theo kiểu lùa khách để quyết định nên hay không xuống tiền. Với kiểu cài cắm khách ảo, tạo hiệu ứng đám đông để thuyết phục, dồn ép khách mua, tạo tâm lý nếu không mua nhanh sẽ hết suất, cùng với các kiểu sắp đặt trúng giải tinh vi. Với chiêu thức này những NĐT mới vào thị trường, muốn lời nhanh rất dễ dính nếu không tỉnh táo”, NĐT này chia sẻ.

Bán đất thanh lý ngân hàng, sập bẫy môi giới

Thực tế, rất nhiều NĐT ôm hận vì “mắc bẫy” quả lừa bán đất ngân hàng thanh lý. Và chiêu thức này đang được sử dụng khá nhiều trên thị trường BĐS, đặc biệt, trong bối cảnh BĐS bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 thì hình thức “dụ khách” kiểu này càng trên nên phổ biến và tinh vi hơn.

Thời gian gần đây, dễ dàng bắt gặp các nhân viên kinh doanh BĐS phát tờ rơi bán đất do ngân hàng thanh lý hay trên các mạng xã hội như Facebook, Zalo, các trang quảng cáo… cũng liên tục xuất hiện những thông tin bán đất do ngân hàng phát mãi.

Theo ghi nhận, chiêu thức dễ nhận thấy nhất ở những bài quảng cáo này thường là bán đất nền ở các quận vùng ven như Quận 9, Quận Bình Tân, Thủ Đức, Huyện Bình Chánh, Củ Chi hay hơn là các tỉnh lân cận Tp.HCM… mức giá chào bán rẻ hơn rất nhiều so với giá thị trường. Giá bán chỉ bằng 1 nửa thậm chí bằng 1/3 so với thị trường.

Đây không phải là cách thức lừa đảo mới nhưng thời gian gần đây lại tiếp tục rộ lên do thị trường khan hiếm nguồn cung, rồi dịch bệnh. Đáng nói, nhiều NĐT vẫn “dính bẫy” chiêu thức này của môi giới, công ty BĐS. Thay vì bán những miếng đất như trên tờ rơi thì môi giới sẽ dụ khách mua đến những vùng xa xôi để xem đất rồi tìm chiêu thức “ép” khách xuống tiền.

Trả lời trên báo chí trước đó, Luật sư Trần Minh Cường, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết, theo quy định khi thanh lý tài sản, các ngân hàng thường phải đăng tải thông tin trên website và các phương tiện truyền thông chứ không sử dụng hình thức phát tờ rơi dọc đường, dán cột điện hoặc thông qua cò đất.

Do đó có thể khẳng định, thông tin trên tờ rơi, tin nhắn rao bán đất là tài sản thanh lý của ngân hàng đều là mạo danh và có dấu hiệu lừa dối khách hàng. Các cò đất hoặc công ty môi giới sử dụng chiêu này để dễ dụ được người mua hơn. Họ đánh vào tâm lý của khách hàng như dùng từ “thanh lý” giá rẻ.

Trên thực tế, đa phần nền đất này đều ở xa, thuộc loại kén người mua hoặc là miếng đất lớn, nay được phân lô, tách thửa để đẩy hàng nhanh hơn. Do đó, Khách hàng cần cẩn trọng với các thông tin dưới dạng này, xem xét tính pháp lý như đã được cấp GCNQSDĐ hay chưa, có thế chấp hay không, có bị vướng quy hoạch hay không….

Theo các chuyên gia, càng trong bối cảnh khó khăn thì NĐT càng phải cẩn trọng để tìm hiểu kỹ càng sản phẩm trước khi xuống tiền, tránh tiền mất tật mang.

—Nguồn từ Cafef.vn—