Ngân hàng Nhà nước Việt Nam vừa lấy ý kiến các ngân hàng về nội dung dự thảo thông tư quy định về bảo lãnh, thay thế Thông tư 07/2015 và Thông tư 13/2017. Một nội dung đáng chú ý là tăng tránh nhiệm của ngân hàng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai (bán nhà trên giấy).

Mua bán dự án nhà ở hình thành trong tương laiDự án nhà ở hình thành trong tương lai phải được ngân hàng ký hợp đồng bảo lãnh, người mua phải được cấp chứng thư bảo lãnh từ ngân hàng mới đảm bảo quyền lợi khi dự án chậm tiến độ. Ảnh minh họa 

Theo quy định hiện hành, các dự án bán nhà ở hình thành trong tương lai buộc phải được ngân hàng bảo lãnh, để giảm rủi ro cho người mua nhà khi chủ đầu tư không đảm bảo tiến độ dự án. Có 2 loại giấy tờ bảo lãnh mà người mua nhà cần quan tâm, một là hợp đồng bảo lãnh ký kết giữa ngân hàng và chủ đầu tư (đề nghị chủ đầu tư cho xem); hai là chứng thư bảo lãnh của ngân hàng cấp cho người mua của từng căn hộ, sản phẩm trong dự án. Tại nhiều dự án, để được cấp chứng thư bảo lãnh, người mua nhà phải nộp thêm 2% lệ phí (trên tổng giá trị căn hộ).

Do nhầm lẫn giữa hai loại giấy tờ trên, hoặc một số người mua nhà không muốn mất thêm 2% lệ phí nên không nhận chứng thư bảo lãnh cho căn hộ, sản phẩm đã mua và vẫn đóng trước tiền mua tài sản cho chủ đầu tư. Một số trường hợp chủ đầu tư cố tình không thực hiện các thủ tục để người mua nhận thư bảo lãnh cho tài sản của mình. Khi dự án chậm tiến độ, chủ đầu tư không bàn giao nhà đúng thời hạn, người mua không có cơ sở để yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ trả tiền ứng trước.

Từ thực tế trên, dự thảo thông tư quy định về bảo lãnh đề xuất bổ sung quy định rõ trách nhiệm phát hành cam kết bảo lãnh của ngân hàng khi nhận được hợp đồng mua bán nhà muộn hơn thời hạn quy định; nếu ngân hàng thương mại chấm dứt việc cấp bảo lãnh cho chủ đầu tư thì cần có thông báo công khai trên phương tiện thông tin đại chúng để người mua được biết, tránh để người mua hiểu nhầm dự án vẫn đang được ngân hàng bảo lãnh…

Bổ sung quy định trong bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai, ngân hàng thương mại chỉ phát hành cam kết bảo lãnh theo hình thức thư bảo lãnh; giải thích rõ khái niệm “Hợp đồng bảo lãnh nhà ở hình thành trong tương lai” là hình thức thỏa thuận cấp bảo lãnh, phân biệt với khái niệm hợp đồng bảo lãnh (là hình thức cam kết bảo lãnh).

Bên cạnh đó, dự thảo cũng đề cập hợp đồng bảo lãnh ký giữa ngân hàng thương mại và chủ dự án phải có nội dung quy định nghĩa vụ bảo lãnh của ngân hàng thương mại đối với bên mua chỉ phát sinh sau khi bên mua nhận được cam kết bảo lãnh của ngân hàng. Với  quy định này, người mua nhà sẽ nắm được quyền lợi thụ hưởng bảo lãnh của mình chỉ được đảm bảo khi nhận được cam kết bảo lãnh của ngân hàng, từ đó yêu cầu chủ đầu tư cung cấp cam kết bảo lãnh của ngân hàng (cùng với hợp đồng bảo lãnh đã cung cấp cho người mua trước khi ký hợp đồng mua bán).

Hải Âu (TH)