Thành phố sẽ bố trí 1.600 tỷ đồng giải phóng mặt bằng dự án 1A thuộc đoạn Tân Vạn – Nhơn Trạch của Vành đai 3 đi qua địa bàn, để chuẩn bị khởi công năm sau.
Nội dung vừa được UBND TP HCM gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư liên quan kế hoạch triển khai dự án nêu trên trong giai đoạn một. Tổng kinh phí giải phóng mặt bằng cho dự án ở phần đi qua địa bàn sẽ được TP HCM cân đối và bố trí trong kế hoạch trung hạn giai đoạn 2021-2025 bằng ngân sách địa phương.
Dự án 1A dài 8,75 km, kết nối từ tỉnh lộ 25B (Đồng Nai) đến cao tốc TP HCM – Long Thành – Dầu Giây (TP Thủ Đức). Phần lớn tuyến đường này đi qua Đồng Nai, với chiều dài 6,3 km, còn lại 2,45 km thuộc địa phận TP HCM.
Năm 2016, dự án được Bộ Giao thông Vận tải phê duyệt với tổng đầu tư gần 5.330 tỷ đồng từ vốn vay ODA Hàn Quốc và vốn đối ứng của Việt Nam. Trong đó, kinh phí giải phóng mặt bằng tách thành dự án riêng do hai địa phương thực hiện. Khi đó, đoạn qua TP HCM chỉ gần 149 tỷ đồng và Đồng Nai gần 476 tỷ. Đến nay, sau khi cập nhật, phía TP HCM tăng lên gần 1.600 tỷ đồng và Đồng Nai khoảng 651 tỷ.
TP HCM trước đó kiến nghị Trung ương bố trí vốn giải phóng mặt bằng cho phần tăng thêm, song Bộ Giao thông Vận tải đề nghị thành phố tự cân đối. Hiện, kinh phí đền bù giải toả cho dự án 1A tăng thêm nên Bộ Giao thông Vận tải cũng tập trung làm các thủ tục điều chỉnh tổng mức đầu tư dự án, từ 5.330 tỷ đồng lên 6.955 tỷ đồng.
Trước đó cuối tháng 11, Ban quản lý dự án Mỹ Thuận (cơ quan thay Bộ Giao thông Vận tải quản lý dự án) cho biết hồ sơ thiết kế dự án đã được phê duyệt và đang chờ nhà tài trợ xem xét, duyệt hồ sơ mời thầu, dự kiến công trình sẽ được khởi công vào quý 1/2022.
Giai đoạn một, dự án làm đường rộng 20-26 m cho 6 làn xe, vận tốc 80 km/h. Khi hoàn thành, tuyến đường giúp rút ngắn hành trình từ Nhơn Trạch, Đồng Nai đến TP HCM và Bình Dương; tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hoá, hành khách… Dự án này góp phần phân luồng từ xa giảm ùn tắc cho nội đô TP HCM.
Vành đai 3 TP HCM dài hơn 90 km chạy qua TP HCM, Bình Dương, Đồng Nai và Long An, chia làm 4 đoạn lớn: Tân Vạn – Bình Chuẩn, Tân Vạn – Nhơn Trạch, Bình Chuẩn – quốc lộ 22 và quốc lộ 22 – Bến Lức. Trong đó, đoạn Tân Vạn – Bình Chuẩn (một phần đường Mỹ Phước – Tân Vạn thuộc tỉnh Bình Dương) dài 16 km đã đầu tư hoàn thành.
Ngoài dự án 1A đầu tư bằng vốn ODA, những phần còn lại chưa khép kín của Vành đai 3 hiện được nghiên cứu đầu tư giai đoạn một với tổng vốn hơn 83.000 tỷ đồng. Do khó khăn nguồn vốn, 4 địa phương mới đây thống nhất kiến nghị Trung ương bố trí ngân sách từ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội để đầu tư dự án. Trường hợp ngân sách Trung ương không đủ, có thể hỗ trợ riêng phần giải phóng mặt bằng, còn xây lắp do các tỉnh thực hiện.