Để tạo ra các cơn sóng giả, nhiều “cò đất” đã liên kết với nhau “diễn kịch” tạo các giao dịch ảo khiến người mua tưởng rằng thị trường khu vực đó đang rơi vào tình trạng khan hiếm hàng rồi thi nhau thổi giá trục lợi cá nhân.
Trong những năm gần đây, liên tục các cơn “sốt đất” ảo đến và đi rất nhanh chóng, làm cho thị trường bất động sản ở các nơi trở nên nhiễu loạn. Nhiều nơi, chỉ trong thời gian ngắn giá đã tăng gấp 2 lần, thậm chí một lô đất có thể sang tay cho 3 – 4 người chỉ trong một ngày.
Tuy nhiên, các cơn sốt đất đi qua không thể thiếu yếu tố tác động của “cò đất”. Nhóm “cò” liên kết với nhau, lợi dụng các thông tin quy hoạch chưa rõ ràng để tạo sự khan hiếm nguồn cung nhằm trục lợi hoặc những khu vực nào đang có “sóng” đất nhẹ thì nhóm cò đất tiếp tục “đổ thêm dầu vào lửa” khiến thị trường càng thêm nóng.
Theo anh Hoàng Văn Chính – nhà đầu tư lâu năm tại Hà Nội cho hay, thị trường nhà đất trở nên loạn giá không thể thiếu đôi tay của môi giới bất động sản. Anh Chính tiết lộ 3 độc chiêu của “cò đất”, đầu tiên là tạo sự khan hiếm giả, tiếp theo là thổi giá, cuối cùng là tạo các giao dịch ảo.
Anh Chính cho biết, chi cần vừa có thông tin về quy hoạch hay xây dựng hạ tầng cầu, đường hoặc sự đổ bộ của các ông lớn. Các “cò” đất sẽ tập hợp các thông tin chi tiết về nhà đất ở những địa điểm liên quan. Đồng thời, tìm kiếm thêm các cộng sự để tiếp tay.
Sau khi tập hợp xong, nhóm cò này sẽ giao nhiệm vụ cho từng thành viên xây dựng bước giá cho từng mảnh đất đang có sẵn, lập danh sách, thu thập thông tin chi tiết rồi đưa lên nhóm.
“Không chỉ thu thập về diện tích, vị trí, giá cả, thông tin của thửa đất mà các đối tượng còn thu thập thông tin về lịch sử, văn hóa, truyền thống của khu vực, cả thông tin gia cảnh của từng chủ đất. Sau khi có đầy đủ thông tin, các đối tượng học thuộc lòng rồi bắt đầu “chém gió” với khách hàng, khiến ai cũng phải tin sái cổ”, anh Chính nói.
Bên cạnh đó, nhóm “cò” đất sẽ thống nhất giá, khách hàng đi tới bất kỳ văn phòng môi giới bất động sản nào trong khu vực cũng đều nhận được mức giá giống hệt nhau như đã được niêm yết sẵn, đây là chiêu trò tạo niềm tin cho khách. Chưa dừng lại ở đó, những lô đất mà gia chủ chưa muốn bán, được nhóm này lập thành danh sách ảo về tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại của khách đã đặt cọc như thật. Hành động này nhằm tạo sự khan hiếm hàng trong khu vực.
Chưa hết, trong trường hợp khách muốn mua lô đất đã có trong danh sách đặt cọc ảo thì khách hàng phải trả giá cao hơn và “cò” đất sẽ giả vờ thương thảo với người đã đặt cọc. Tất cả đều đã nằm trong kịch bản của nhóm “cò” đất. Chỉ cần khách hàng “mắc bẫy” thì sẽ thi nhau đẩy giá.
“Chỉ cần người có nhu cầu hỏi mua, chúng sẽ bắn hết thông tin tên, tuổi, số điện thoại của khách hàng vào nhóm. Trong trường hợp khách hàng đi tham khảo giá ở các môi giới khác thì cũng đều trong vòng vây của nhóm cò. Mỗi lần khách hỏi chỗ khác thì giá lại được đẩy lên cao hơn. Đây cũng trong kịch bản của nhóm từng bước đẩy giá khách hàng không hề biết và có tâm lý nghĩ rằng thị trường khu vực đó đang có tính thanh khoản cao, khan hiếm nguồn cung nên giá tăng”, anh Chính chia sẻ.
Nhà đầu tư này cho biết, thậm chí có trường hợp, khách hàng hỏi về mảnh đất thứ nhất, sau khi đi tham khảo các văn phòng khác rồi quay lại, môi giới sẽ nói đã bán cho người khác, đồng thời thò ra tờ giấy viết tay được chuẩn bị sẵn với giá cao.
“Nhóm cò đất này sẽ chuẩn bị sẵn văn bản viết tay, đặt cọc, y như thật. Nếu khách ưng, cò sẵn sàng đàm phán để lấy lại mảnh đất đó, nhưng thực tế vẫn là nhóm các đối tượng dàn dựng kịch bản trước đó. Kịch bản này khiến không ít khách hàng tin sái cổ, sập bẫy”, anh Chính chia sẻ.
Nhà đầu tư này cho rằng: “Thường những nhà đầu tư non kinh nghiệm, chưa nắm vững các chiêu trò của cò đất và có thói quen chạy theo các thông tin quy hoạch rất dễ sập bẫy. Bởi chỉ cần thấy ở đâu có thông tin mới sẽ tới tìm mua hy vọng có cơ hội lướt sóng trong khi chưa am hiểu thị trường tại khu vực”.
Minh Tâm
Theo Nhịp sống kinh tế