Quan hệ về nguồn cung vàng
Trước tiên, ta có thể nói rằng, vàng là một loại hàng hoá đặc biệt. Chính vì mang tính chất của một loại hàng hoá nên vàng cũng chịu tác động của quy luật cung cầu trên thị trường. Xét về nguồn cung của vàng, vàng được cung cấp bởi chủ yếu từ những nước có trữ lượng vàng lớn, sản lượng xuất khẩu lớn có tầm ảnh hưởng đến thị trường vàng thế giới: Nam Phi, Mỹ, Nga, Canada, Úc,… Theo dự báo, nguồn cung vàng cho thế giới sẽ giảm nhẹ khoảng 1,3% so với năm 2008 đạt mức 2.295 tấn (tương đương với 73,7 triệu ounce) nhưng vẫn đang cao hơn so với nhu cầu thực tế. Trong năm 2009, dự báo thế giới sẽ dư khoảng 300 tấn vàng (tương đương với 9,1 triệu ounce).
Nguồn cung vàng từ khu vực Nam Phi, Úc và Canada sẽ giảm, nhưng lại tăng tại các nước như Trung Quốc, Nga và Peru. Điều đáng lưu ý là, nếu giá vàng tăng mạnh như trong thời gian vừa qua, nhiều khả năng các nước sẽ điều chỉnh tăng sản lượng.
Ngân hàng trung ương một số nước như Italia và Đức, thậm chí cả IMF đang cân nhắc bán vàng ra. Thỏa thuận bán vàng của các ngân hàng trung ương (CBGA) sẽ hết hiệu lực vào tháng 9 năm nay. Nhưng, khả năng các ngân hàng trung ương bán ra với khối lượng lớn vào thời điểm cuối năm nay là không nhiều.
Trong khi đó, nhu cầu về vàng trong năm 2009 có thể tăng nhẹ so với năm ngoái. Tuy nhiên, hiện tại cầu tại một số thị trường đã qua thời đỉnh điểm. Ấn Độ – một nước nhập khẩu vàng khá lớn đã không nhập vàng trong tháng 2/2009 do giá vàng quá cao. Trong khi đó, cùng kỳ năm ngoái, quốc gia này đã nhập về 23 tấn. Trung bình hàng năm, Ấn Độ nhập nhập khoảng 500-700 tấn vàng. Trong thời điểm kinh tế bất ổn, việc đi tìm một công cụ đầu tư và tích trữ an toàn như vàng là điều rất dễ hiểu. Hiện tại nhu cầu vàng đang được hỗ trợ vững chắc bởi các yếu tố như nhu cầu mua vàng của một số ngân hàng trung ương nhằm tăng dự trữ vàng; nhu cầu về đầu tư vàng thỏi và đầu cơ theo chỉ số giá vàng (ETF) và nhất là nhu cầu nắm giữ vàng của các nhà đầu tư…
Thêm vào đó, chính vì loại hàng hoá đặc biệt nên vàng có tính hấp dẫn đối với tất cả mọi người. Ai cũng muốn sở hữu và tích luỹ chúng vào các mục đích riêng của mình:trang sức, tích luỹ, đầu tư, thanh toán, … Đối với nền kinh tế đang bất ổn như hiện nay, nhu cầu vàng ngày càng gia tăng cao.
Ảnh hưởng của USD đến giá vàng
Vì là một loại hàng hoá nên giá vàng cũng bị ảnh hưởng, tác động bởi các đồng tiền nội tệ và ngoại tệ mua nó mà ở đây chủ yếu là đồng USD. Chính vì thế, việc biến động đồng USD cũng ảnh hưởng không nhỏ tới giá vàng. Khi xem xét giá trị đồng USD, người ta thường đánh giá thông qua nền kinh tế Mỹ và những yếu tố chính được xem là “chỉ báo” phản ánh sức mạnh hay suy yếu của nền kinh tế Mỹ, đó là tình trạng thị trường nhà ở, thị trường lao động, thị trường tín dụng và thị trường vốn.
Như ta đã biết, thị trường bất động sản là nơi khởi nguồn, là nơi bắt đầu cho cuộc đại suy thoái của kinh tế Mỹ. Sự suy giảm rồi kết quả là sụp đổ của thị trường bất động sản sẽ kéo theo sự giảm giá trị của đồng USD. Sự suy giảm giá trị của đồng tiền có sức ảnh hưởng lớn với nền kinh tế cũng kéo theo sự suy giảm về niềm tin nơi các nhà đầu tư về đồng tiền này. Các nhà đầu tư đang dần chuyển sang một loại tiền tệ khác có tính ổn định cao hơn và có tính an toàn hơn USD. Từ Euro, sang Bảng Anh, và thậm chí có thể là dùng vàng là đơn vị chuyển đổi hàng hoá.
Thị trường bất động sản sụp đổ, hậu quả kéo theo là sự đi xuống của phố Wall. Chứng khoán Mỹ đã đứng trước những chuỗi ngày dài đen tối nhất trong lịch sử tồn tại của mình. Cổ phiếu của các hãng lớn lần lượt trượt dốc, không chỉ khiến các đại tỷ phú mất đi phần lớn tài sản của mình mà còn khiến nhiều công ty vì thế mà phá sản. Chuỗi dài ngày đen tối của kinh tế Mỹ được kéo dài cùng với chuỗi các công ty, ngân hàng Mỹ cùng “rủ” nhau phá sản, xin trợ cấp.
Từ Lehman Brothers đến Merrill Lynch rồi AIG,… tất cả đều có chung một kết cục dù trước đây là những đại gia trên thị trường tài chính. Điều gì sẽ xảy ra với nền kinh tế lớn nhất thế giới nếu các tập đoàn lớn cùng phá sản? Đó thực sự là một thảm hoạ cho kinh tế thế giới mà ngay cả các nhà kinh tế học chuyên nghiên cứu về suy thoái kinh tế hàng đầu cũng không dám tưởng tượng ra. Chủ tịch Cục dự trữ Liên Bang Mỹ FED, Ben S. Bernanke, một nhà kinh tế học nghiên cứu suy thoái kinh tế Mỹ những năm 1930 chắc chắc sẽ là người hiểu rõ nhất điều gì sẽ đến với đầu tàu kinh tế thế giới.
Các công ty phá sản cũng đồng nghĩa với việc số lượng người thất nghiệp cũng tăng lên theo từng ngày. Hàng loạt các công ty sát nhập, phá sản nhằm giảm bớt chi tiêu cho ngân sách lương đã khiến cho hàng trăm ngàn công nhân phải thất nghiệp. Các hãng khác như Yahoo, Microsoft, Samsung, Sony,… cũng phải cắt giảm công nhân thậm chí đóng cửa các chi nhánh làm việc không có hiệu quả. Số lượng nhân công thất nghiệp phản ánh thực trạng của nền kinh tế của một nước. Nó cho biết kinh tế đất nước đang nằm trong giai đoạn phát triển hay suy thoái. Qua đó, số lượng người thất nghiệp cũng ảnh hưởng đến chính sách phát triển kinh tế của Mỹ, ảnh hưởng đến tỷ giá đồng USD đối với các loại tiền tệ khác cũng như đối với giá vàng.
Ngoài ra, một chỉ báo không thể không kể đến khi đánh giá giá trị đồng USD, đó là quyết định về lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED). Bất kỳ quyết định nào ảnh hưởng đến việc tăng hay giảm, giữ nguyên lãi suất của Mỹ do FED công bố qua các kỳ họp của Ủy ban Thị trường mở Liên bang (FOMC) đều tác động trực tiếp và mạnh mẽ đến giá trị đồng USD. Dù quyết định tăng/giảm lãi suất của FED với mục đích kích thích hay kìm hãm tốc độ phát triển của nền kinh tế hay nhằm giải quyết các vấn đề khác thì trong ngắn hạn hay tức thời, quyết định tăng/giảm lãi suất của Mỹ cũng sẽ làm tăng/giảm giá trị của đồng USD do trong ngắn hạn hay tức thời, giá trị của đồng USD được nâng lên/hạ xuống so với các ngoại tệ khác trong mối tương quan so sánh. Khi giá trị của đồng USD dao động, giá trị các loại hàng hóa được định giá bằng USD cũng dao động tức thời theo quyết định của FED. Ví dụ, trước khi FED cắt giảm lãi suất cơ bản, 1 ounce vàng có giá là 800 USD nhưng khi FED cắt giảm lãi suất thì vàng “vô tình” bị định giá thấp do USD mất giá nên thị trường sẽ tự động điều chỉnh bằng cách nâng giá vàng lên, trong trường hợp này 1 ounce vàng sẽ có giá là 810 USD.
Mối quan hệ giữa vàng và dầu
Sự tương quan trong biến động giá cả giữa các loại hàng hóa trên thị trường là điều không tránh khỏi, nhất là các loại hàng hóa cùng được định giá bằng một loại tiền tệ, trong đó vàng và dầu là 2 loại hàng hóa có mối quan hệ chặt chẽ về giá.
Khu vực khai thác và xuất khẩu dầu mỏ lớn nhất thế giới được biết đến là vùng Trung Đông và các nước khu vực này thường dự trữ tài sản dưới dạng vàng, do đó chính nguồn cung dầu mỏ và nguồn cầu về vàng của khu vực Trung Đông quá lớn, ảnh hưởng đến giá cả 2 loại hàng hóa này nên nhiều NĐT thường nhìn vào diễn biến giá dầu trong hiện tại và diễn biến được dự đoán trong tương lai của dầu để từ đó dự đoán cho xu hướng dao động của vàng.
Tuy nhiên, cần có sự phân biệt rằng, vàng và dầu là 2 loại hàng hóa khác nhau, dĩ nhiên sẽ chịu những tác động khác nhau khi biến động giá cả. Nếu sự biến động của dầu được đánh giá là đến từ tác động của đồng USD thì dao động giá dầu phần lớn sẽ diễn biến tương quan với biến động của vàng.
Nhưng nếu yếu tố tác động khiến cho dầu dao động không đến từ đồng USD, mà vì lý do khác thì khó có thể nói rằng, diễn biến của vàng rồi cũng diễn ra theo chiều hướng như vậy.
Dù vậy, sự tăng hay giảm giá dầu đều có tác động ít nhiều đến nền kinh tế Mỹ vì Mỹ là nước tiêu thụ năng lượng lớn nhất thế giới và thật là thảm họa cho nền kinh tế Mỹ nếu một ngày nào đó không đủ lượng dầu đáp ứng cho nhu cầu tiêu thụ thì các hoạt động kinh tế, sản xuất… đều có khả năng ngưng trệ.
Tuy nhiên, cần phân tích những tác động của biến động giá dầu đến nền kinh tế Mỹ, qua đó tác động trở lại giá trị đồng USD thì mới dự đoán được diễn biến dao động giá vàng.
Mặc dù các vấn đề thể hiện trên đây không thể bao quát hết toàn bộ những yếu tố gây ảnh hưởng đến biến động thị trường nhưng những yếu tố này được đánh giá có tầm ảnh hưởng trực tiếp hoặc gián tiếp một cách mạnh mẽ đến giá vàng.
Ảnh hưởng từ Lạm phát: khi nền kinh tế được kính thích tăng trưởng trở lại quá nóng thì việc xảy ra lạm phát là có thể, tuy nhiên lạm pháp sẽ là cơ hội đẩy giá vàng tăng nhẹ theo giá dầu trước khi nền kinh tế tăng trưởng đều và ổn định, giữ giá dầu ở mức cao và giá vàng trở lại mức thấp hơn.
——————————–